Thông tin được TS.BS Đinh Văn Lượng,ưphổikhỏibệnhnếupháthiệnsớthuần mộc Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết khi nhận quyết định kiêm nhiệm Trưởng Bộ môn Lao và Bệnh phổi của Đại học Y Hà Nội, ngày 23/10.
Ung thư phổi là một trong ba ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phạm vi toàn cầu. Thống kê của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan) năm 2020 tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ hai ở cả hai giới, sau ung thư gan ở nam và ung thư vú ở nữ. Ước tính mỗi năm có khoảng trên 26.000 trường hợp mới mắc và tử vong khoảng 23.700 người. Nam giới mắc nhiều gấp 3 lần nữ, chủ yếu do hút thuốc lá.
Ung thư phổi có hai thể chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (chiếm 15%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ 85%. Trong đó, ung thư phổi không tế bào nhỏ phổ biến tại Việt Nam. Loại không tế bào nhỏ điều trị ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ khỏi bệnh cao, hơn 90% sống 5 năm nếu xử trí khi khối u kích thước dưới một cm.
Ngày nay, y học phát triển, bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện sớm hơn. Tuy nhiên, chỉ khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi đến viện ở giai đoạn có khả năng phẫu thuật.
"Phẫu thuật luôn đóng vai trò quan trọng mang tính triệt căn trong điều trị ung thư phổi. Vì vậy việc phát hiện sớm ung thư phổi khi chưa có triệu chứng rất quan trọng", TS. Lượng nói, thêm rằng người bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống thêm 5 năm, không có biến chứng lên đến 70-90%.
Hiện, Việt Nam có những bước tiến lớn về phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ, hóa trị, liệu pháp thuốc đích, miễn dịch. Song, việc tầm soát phát hiện sớm ung thư phổi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ chữa khỏi cũng như chi phí, thời gian, chất lượng cuộc sống của người mắc thuận lợi hơn rất nhiều.
Dấu hiệu của ung thư phổi là ho dai dẳng, đau tức ngực, khàn tiếng không hồi phục, ho ra máu, thở khò khè, khó thở, giảm cân không rõ nguyên nhân, đau đầu, đau mỏi cơ... Tầm soát là cách để phát hiện sự hiện diện ung thư phổi ở người khỏe mạnh có nguy cơ cao mắc bệnh. Phương pháp là chụp cắt lớp vi tính lồng ngực liều thấp (Low-dose CT scan) để truy tìm khối u.
TS. Lượng cho biết thêm hiện các lĩnh vực mà bệnh viện đang hướng tới là chẩn đoán và điều trị ung thư phổi và ghép phổi, điều trị tế bào gốc. Bệnh nhân có chỉ định ghép phổi thường phải điều trị tế bào gốc xong mới tiến hành ghép. Ngoài ra những bệnh lý nặng về phổi cũng có thể được chỉ định điều trị bằng tế bào gốc như bệnh phổi mạn tính giai đoạn cuối, các bệnh lao ngoài phổi, bệnh mạn tính khác.
Lê Nga