Tòa linh động cho qua thì bị "tuýt còi"
UBND TP.HCM vừa có báo cáo tổng kết luật Tố tụng hành chính và Chỉ thị số 26 của Thủ tướng,ócầnthiếtbuộccôngchứcdựtòahànhchínhnộplýlịchtưpháảnh xe gửi đến Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan. Trong đó, cơ quan này đã nêu những khó khăn khi bị tòa án yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp.
Cụ thể, theo điểm c khoản 2 điều 61 luật Tố tụng hành chính, một trong những điều kiện để tham gia làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là "chưa bị kết án hoặc bị kết án nhưng đã được xóa án tích".
Đặc thù của vụ án hành chính, người bị kiện là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước. Trong tất cả trường hợp, ngoài người bị kiện là thủ trưởng cơ quan, đơn vị bị kiện còn có sự tham gia cán bộ, công chức trong cơ quan, hoặc ở các cơ quan chuyên môn trực thuộc tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện.
Khi xét xử, tòa án yêu cầu cán bộ, công chức của thành phố lập thủ tục làm người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện, trong đó phải nộp phiếu lý lịch tư pháp. Một số trường hợp, tòa án không yêu cầu thì đại diện Viện KSND tại phiên xét xử lại kiến nghị hủy tư cách của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện do không có phiếu lý lịch tư pháp.
"Thậm chí có trường hợp thẩm phán xét xử không công nhận tư cách ngay tại phiên xét xử mà không thông báo trước, không hoãn phiên tòa cũng như không cho người bảo vệ quyền, lợi ích tham gia tố tụng", báo cáo nêu.
Việc cơ quan tố tụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự là hợp lý để thực hiện nguyên tắc của luật Tố tụng hành chính. Tuy nhiên, theo UBND TP.HCM thì "việc áp dụng đối với cán bộ, công chức làm người bảo vệ quyền, lợi ích của người bị kiện là chưa phù hợp".
Thứ nhất, theo điểm c khoản 2 điều 36 luật Cán bộ, công chức, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của tòa án mà chưa được xóa án tích, thì không được đăng ký dự tuyển công chức. Đồng thời, theo quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức, công chức vi phạm pháp luật mà bị xử lý hình sự, thì bên cạnh việc xử lý hình sự, còn bị áp dụng hình thức kỷ luật cảnh cáo, cách chức, hoặc buộc thôi việc.
Thứ hai, cơ quan nhà nước khi cử cán bộ, công chức làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng chính là cơ quan quản lý cán bộ, công chức và chịu trách nhiệm về việc cử cán bộ, công chức.
Thứ ba, việc yêu cầu cán bộ, công chức phải nộp phiếu lý lịch tư pháp khi tham gia tố tụng hành chính gây chậm trễ, phiền hà vì phải làm thủ tục xin cấp phiếu, đóng phí và phải xin cấp nhiều lần nếu tòa án yêu cầu phiếu mới.
Vì vậy, UBND TP.HCM cho rằng việc yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp là "không cần thiết, làm kéo dài thời gian chuẩn bị tham gia tố tụng, phát sinh chi phí cho cán bộ, công chức hoặc ngân sách nhà nước vì không thuộc diện được miễn phí". Việc này còn dẫn đến gia tăng số lượng hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp ở Sở Tư pháp, vốn đang trong tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấn chỉnh tình trạng lạm dụng phiếu lý lịch tư pháp.
Cũng theo UBND TP.HCM, việc không thống nhất khi xét xử dẫn đến không chấp nhận tư cách của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị kiện tại phiên xét xử, đã làm ảnh hưởng đến lợi ích của cơ quan hành chính nhà nước trong việc bảo vệ các quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Phiếu lý lịch tư pháp có thật sự cần thiết?
Thạc sĩ Trương Tư Phước (Phó giám đốc phụ trách Trung tâm đào tạo trực tuyến, Trường ĐH Luật TP.HCM) đồng quan điểm với UBND TP.HCM. Việc yêu cầu người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cung cấp phiếu lý lịch tư pháp để xác định người đó "chưa bị kết án hoặc bị kết án nhưng đã được xóa án tích" là hợp lý. Tuy nhiên, theo thạc sĩ Phước: "Việc áp dụng rập khuôn điều khoản này đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước được cử tham gia tố tụng hành chính là không phù hợp".
Do đó, trên thực tế, trong những năm gần đây, có thẩm phán không còn yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp đối với trường hợp này. Bởi văn bản yêu cầu người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan hành chính nhà nước đã thể hiện đầy đủ thông tin về cán bộ, công chức được cử tham gia vụ án hành chính với tư cách người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) bổ sung, điều 61 luật Tố tụng hành chính chỉ quy định về chủ thể "người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự", không phân biệt giữa đương sự là người khởi kiện và người bị kiện. Vì vậy, ngoài cơ quan hành chính, thì người dân được ủy quyền để tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án hành chính, cũng phải chứng minh chưa bị kết án hoặc bị kết án nhưng đã được xóa án tích.
Phiếu lý lịch tư pháp là một trong những căn cứ giúp chứng minh cho việc người tham gia bảo vệ quyền lợi liên quan có bị kết án hay không, và đã được xóa án tích hay chưa. Do đó, các cơ quan tố tụng thường yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự xuất trình phiếu lý lịch tư pháp khi tham gia vụ án hành chính.
Luật sư Hậu cũng cho rằng yêu cầu trên đối với cán bộ, công chức "chưa thật sự phù hợp". Bởi, theo điểm c khoản 2 điều 36 luật Cán bộ, công chức, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của tòa án mà chưa được xóa án tích, thì không được đăng ký dự tuyển công chức.
Đồng thời, theo Nghị định số 112 năm 2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, bên cạnh việc xử lý hình sự thì cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm còn có thể bị xem xét áp dụng hình thức xử lý kỷ luật.
"Theo tôi, các cơ quan tố tụng cần linh động trong việc yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. Đối với những người tham gia bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự là cán bộ, công chức thì không nên yêu cầu bắt buộc phải có phiếu lý lịch tư pháp. Điều này sẽ giúp cho vụ án hành chính được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn và giảm thủ tục", luật sư Hậu phân tích.
Từ những vướng mắc trên, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp TAND tối cao và Viện KSND tối cao trong quá trình nghiên cứu sửa đổi luật, bổ sung quy định theo hướng không yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với cán bộ, công chức tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM về tổng kết luật Tố tụng hành chính 2015 và Chỉ thị số 26 của Thủ tướng, số lượng trường hợp Chủ tịch UBND (hoặc người đại diện) tham gia phiên đối thoại, tham gia phiên tòa/tổng số vụ án hành chính giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND chiếm 1.569/2.346.
Hiện, TP.HCM chiếm 1/3 cả nước về số lượng tiếp nhận hồ sơ liên quan phiếu lý lịch tư pháp. Trung bình một ngày, Sở Tư pháp TP.HCM tiếp nhận từ 550 - 650 hồ sơ của các cá nhân đến yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, và chiếm hơn 90% trong tổng số các loại hồ sơ khác (như khai sinh, khai tử...) mà Sở tiếp nhận. Khi yêu cầu cấp phiếu, cá nhân phải đóng lệ phí 200.000 đồng/phiếu.